Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi
Khi bé được 6 tháng tuổi cả bố mẹ và bé đã quen với sự hiện diện của nhau. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ vẫn có những thắc mắc về giai đoạn 6 tháng tuổi này bé có những thay đổi mới gì và bố mẹ cần chuẩn bị, cần lưu ý những điều gì để chăm sóc bé tốt hơn? Hãy cùng Life-do.Plus tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Đặc điểm cơ bản về sự phát triển của bé 6 tháng tuổi
Bước sang tháng thứ 6 là cột mốc đánh dấu sự kết thúc giai đoạn phát triển đầu tiên của bé, chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn ăn dặm.
Thực tế, về nếp ăn nếp ngủ của bé không khác nhiều so với khi bé 5 tháng tuổi. Ở giai đoạn này quan trọng nhất là chú trọng cho em bé tập những thói quen ăn và ngủ tạo thành nề nếp giữa các ngày.
Về ăn uống
Về nhu cầu sữa của con vẫn tuân thủ nguyên tắc là 120ml/kg cân nặng/ ngày. Khoảng cách giữa các cữ sữa vẫn là khoảng 4 tiếng và bố mẹ hoàn toàn có thể tăng thời gian để kéo dài cữ hơn nữa tùy vào thể trạng của con.
Giai đoạn này, lượng sữa trung bình của bé giao động khoảng từ 210 - 240 ml sữa/lần. Vào ban đêm, lý tưởng nhất chỉ cho bé ăn 1 cữ hoặc bỏ cữ đêm. Nếu em bé ăn đủ vào ban ngày sẽ không cần ăn vào ban đêm để bé tập trung vào giấc ngủ hơn vì giấc ngủ ban đêm rất tốt cho sự phát triển trí não và thể chất của con.
Về giấc ngủ
Giai đoạn này, bé sẽ ngủ nhiều và dài hơn vào ban đêm, nhưng ban ngày vẫn có những giấc ngủ ngắn. Trong chu kỳ ngủ của bé, 2 pha ngủ đã có sự thay đổi theo xu hướng: Pha ngủ sâu dài ra, pha ngủ động ngắn lại. Chính vì vậy, ở giai đoạn này bé sẽ ngủ tốt hơn, ít ngọ nguậy hơn, giấc ngủ bắt đầu sâu hơn và đều đặn hơn.
Những lưu ý bố mẹ cần biết khi chăm sóc em bé 6 tháng tuổi
Về ăn dặm
Giai đoạn này là giai đoạn bé tròn 5 tháng bước sang tháng thứ 6, ở một số trường hợp đặc biệt đã bắt đầu ăn dặm. Ví dụ như những gia đình có mẹ chuẩn bị đi làm hoặc ở bé có thể chất phát triển mạnh… Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý mức chuẩn để bé có thể bắt đầu ăn dặm vẫn là khi bé đủ 6 tháng bước sang tháng thứ 7.
Độ bám mẹ
Bố mẹ sẽ thấy bé bám dính mẹ, theo mẹ nhiều hơn. Vì lúc này bé bắt đầu nhận dạng mẹ rất tốt nên có tâm lý sợ hãi khi phải xa mẹ.
Về phát triển ngôn ngữ
Bố mẹ sẽ thấy bé phát âm các tiếng a a hay pa pa nhiều hơn. Lúc này, bố mẹ nên sử dụng các loại sách tranh truyện đơn giản, có nhiều hình, màu sắc thú vị và thân thuộc. Bố mẹ vừa đọc vừa cho bé nhìn, điều này sẽ giúp bé phối hợp hình ảnh thực tế và tên của các đồ vật, qua đó nhận diện chúng. Hãy bắt đầu từ những đồ vật đơn giản nhất trong nhà.
Hoạt động nói của con là hoạt động bắt chước. Do đó sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ chăm nói chuyện, chăm dạy con hay không. Để em bé hoạt ngôn, mau nói hơn thì bố mẹ cần dành thời gian để nói chuyện và dạy con từ thứ đơn giản nhất ngay trong giai đoạn 6 tháng tuổi này.
Vận động
Giai đoạn này, bé đã lật lẫy tốt, lăn qua lăn lại hay có tình trạng nhấc người lên khỏi mặt giường, bò tới bò lui bắt đầu tập ngồi. Bố mẹ nên bắt đầu tập ngồi cho bé để chuẩn bị cho giai đoạn tập ăn dặm, để bé có thể ngồi hoặc ngồi khi có hỗ trợ. Vì khi ăn dặm bé cần phải ăn trong tư thế ngồi và không ăn với bất cứ tư thế nào khác.
Tập ngồi như thế nào? Mẹ có thể cho em bé vào lòng, áp lưng vào bụng mẹ và quay mặt ra phía trước. Hoặc có thể sử dụng các sản phẩm như ghế hơi cho bé. Bố mẹ có thể tập cho bé từ giai đoạn 5 tháng rưỡi.
Trong giai đoạn này em bé đã hoạt bát hơn, di chuyển nhanh hơn nên bố mẹ cần chú ý đảm bảo an toàn cho bé. Các góc bàn, góc tủ, những góc nhọn và cạnh sắc cần được bọc lại để tránh khi bé bò, hoạt động bị va vào. Những vật nguy hiểm cũng cần được để xa tầm với của bé.
Những lưu ý khác
Vấn đề cai mút tay, cai ti giả.
Thực tế đến giai đoạn này em bé tự có thể cai ti giả vì ti giả không còn đủ thu hút như thời gian đầu hay nói cách khác là bé đã bé chán rồi. Tuy nhiên nếu môi trường xung quanh quá tẻ nhạt thì bé sẽ tiếp tục ngậm ti giả. Do đó bố mẹ cần tăng cường các hoạt động bên ngoài cho bé như thường xuyên đưa em bé ra ngoài chơi, tiếp xúc với mọi người, đồ chơi bắt mắt, âm thanh thu hút tầm nhìn của bé… Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian nói chuyện với bé để tạo hứng thú với mọi thứ xung quanh, để em bé quên đi việc mút tay hay ngậm ti giả.
Bố mẹ chú ý nên cai từ từ. Đặc biệt với thói quen mút tay, nếu bố mẹ lôi tay bé ra khỏi miệng hay bôi chất cay hoặc đắng lên tay bé thì không những không có tác dụng mà càng làm cho em bé sợ hãi, tạo sự không yên tâm, không thoải mái qua đó bé càng muốn mút tay hơn.
Vì bản chất mút tay còn là cách mà bé làm để tự trấn an bản thân. Đầu tiên chỉ từ hành động khám phá sau đó thành thói quen, cuối cùng có thể phụ thuộc. Mặt khác, ở thời điểm lúc 6 tháng này, khi bé bắt đầu bám dính mẹ, lo lắng khi phải xa mẹ thì em bé càng có nhu cầu mút tay nhiều hơn. Nên bố mẹ cần thận trọng trong việc cai mút tay cho bé. Mẹ nên dành nhiều thời gian cho bé hơn và cai mút tay, ngậm ti giả 1 cách từ từ.
Tiêm phòng đầy đủ
Sau 6 tháng, những kháng thể dự trữ được truyền từ mẹ cho em bé đã giảm. Lúc này khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bé sẽ ốm nhiều hơn để tự xây dựng cho mình một hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, để tránh các bệnh nguy hiểm cho bé, bố mẹ nên cố gắng hoàn thành tất cả các mũi tiêm phòng trong giai đoạn này cho bé như: Viêm gan B, 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, rota, phế cầu…
Em bé bước sang tháng thứ 6 là bắt đầu kết thúc giai đoạn đầu tiên, bước sang giai đoạn mới. Đi cùng với những niềm vui, niềm hạnh phúc khi con có những sự phát triển mới thì cũng là nỗi lo của các bậc làm cha làm mẹ về cách chăm sóc cho bé. Hy vọng với những chia sẻ của Life-do.Plus bố mẹ đã có thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc bé đúng cách, cùng bé khôn lớn và tận hưởng trọn vẹn những giây phút hạnh phúc.