10 Nguyên tắc mẹ nhất định phải biết để bé ăn ngoan
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng bắt gặp cảnh các bà, mẹ dắt con đi ăn dong hoặc tìm cách đánh lạc hướng, thậm chí dọa nạt để cho bé ăn được nhiều. Thực tế nết ăn của bé như thế nào đều do người lớn quyết định. Nếu mẹ dễ dàng thỏa hiệp với những đòi hỏi của con như một sự trao đổi để con ăn thì càng ngày sự đòi hỏi đó càng tăng cấp độ.
Ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm, mọi người trong gia đình nên thống nhất một số nguyên tắc. Điều này là cần thiết để việc cho bé ăn là niềm vui của cả nhà chứ không phải những nỗi ám ảnh của cả mẹ lẫn bé. Việc nhất quán về kỉ luật bàn ăn cũng là cách để bé hiểu rằng, việc ăn là cho bé, quyền lợi của bé, hoàn toàn không phải nhiệm vụ mẹ giao. Mỗi giờ ăn của bé nên là giờ tận hưởng hương vị của các món ăn mẹ nấu và thực sự thoải mái. Cùng Life-do.Plus tìm hiểu 10 nguyên tắc để bé ăn ngoan nhé!
1. Không ép bé ăn
Điều tiên quyết, chúng ta không nên ép bé ăn, bởi vì việc ép bé ăn sẽ gây tác dụng ngược. Những thìa cháo, thìa cơm bé ăn vào bằng phương pháp ép uổng đó sẽ làm no bụng, nhưng những dinh dưỡng có trong phần ăn đó sẽ rất khó có thể hấp thu được. Áp lực khi bị ép ăn khiến bé căng thẳng, gây ra chứng khó tiêu, đầy bụng, các bệnh lý liên quan đến dạ dày và đường tiêu hóa. Đó là lý do vì sao mẹ ép con ăn nhiều nhưng con vẫn không tăng cân.
Bên cạnh đó, bé nào cũng sẽ có giai đoạn lười ăn do con đang trong thời điểm học hỏi một kỹ năng nào đó và đây chỉ là hiện tượng biếng ăn sinh lý rất bình thường. Sau giai đoạn đó, bé sẽ ăn bình thường trở lại. Ngoài ra, một số lý do khiến bé biếng ăn hơn phải kể đến như: bé không đói, bé ăn vặt nhiều trước bữa ăn… Tuy nhiên, nếu ép bé ăn, vô tình khiến bé sợ, tạo thành chứng biếng ăn bệnh lý sẽ rất khó khắc phục.
2. Không nên nịnh nọt, khen ngợi thái quá
Con có thể lựa chọn ăn hoặc không chứ không đợi mẹ khen ngợi hoặc dọa nạt hay trừng phạt mới ăn. Mẹ hãy mời bé ăn cơm, nếu đến lần thứ ba bé vẫn không ăn, mẹ hãy vui vẻ với lựa chọn của bé, thu dọn đồ ăn và đợi đến bữa tiếp theo mới tiếp tục cho bé ăn. Nếu bé đói, đòi ăn trước bữa ăn mẹ cũng không nên thỏa hiệp. Điều này giúp bé hiểu rằng ăn là quyền lợi của bé, bé ăn để không bị đói, để có năng lượng vui chơi và lớn lên. Nếu bé từ chối bữa ăn, bé sẽ bị mất quyền lợi và sẽ bị đói.
Ngoài ra, việc nịnh nọt, khen ngợi thái quá sẽ hình thành tính cách “ưa nịnh” của bé sau này. Hoặc nếu mẹ dùng đồ chơi hay điều kiện nào đó để trao đổi nhằm dụ bé ăn, sẽ khiến bé hiểu lầm rằng bé ăn cho mẹ và phải có điều kiện bé mới chịu ăn. Chưa kể, đến một lúc mẹ không thể đáp ứng điều kiện của con, mẹ sẽ nổi nóng với con. Con sẽ rơi vào trạng thái không hiểu vì sao cùng là ăn mà lúc mẹ nói lời ngọt ngào, nịnh nọt, khi mẹ lại mắng mỏ nặng lời.
3. Không cho bé ăn các bữa quá dày
Việc ăn các bữa ăn quá dày không những khiến bé không có cảm giác đói, thèm ăn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Thức ăn bữa trước chưa kịp tiêu hóa đã tiếp tục ăn bữa tiếp theo, làm dạ dày phải hoạt động liên tục. Bé rất dễ gặp phải các vấn đề như táo bón, đầy bụng, khó tiêu.
Mặt khác việc bữa ăn dày đặc khiến bé không đói nên không ăn, mẹ dễ lặp lại vòng luẩn quẩn ép uổng khiến con sợ ăn.
4. Không cho bé ăn vặt trước các bữa chính ít nhất 1 - 2 tiếng
Việc cho bé ăn vặt gần với bữa ăn chính khiến bé no bụng, bỏ bữa chính. Những đồ ăn vặt như hoa quả, bánh kẹo là những thực phẩm bổ sung chứa nhiều năng lượng, nhưng ít chất dinh dưỡng nên khiến bé ăn vào nhiều mà không hấp thụ được chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Vì vậy mẹ cần tránh cho bé ăn vặt gần bữa ăn của bé ít nhất từ 1 - 2 tiếng trước khi ăn.
5. Đổi món thường xuyên giúp bé hào hứng ăn uống
Cũng giống như chúng ta, việc ăn lặp lại một món trong nhiều ngày khiến bé không còn cảm thấy ngon miệng thậm chí là sợ món ăn đó. Vì vậy mẹ nên đa dạng món ăn, đổi món thường xuyên để bé hứng thú hơn với đồ ăn mẹ nhé.
Mẹ lưu ý, nếu bé ăn bột, cháo mẹ nên đổi thành mì, nui, hay bánh chứ không nên chỉ đổi vị từ cháo thịt gà sang cháo thịt bò, bởi khi xay lẫn hương vị không có quá nhiều khác biệt.
6. Không kéo dài bữa ăn quá 40 phút
Tuy mẹ không nên thúc giục bé phải ăn nhanh, để bé ăn theo nhịp độ của riêng bé, nhưng trong giờ ăn bé cần tập trung với việc ăn. Thông thường bữa ăn của bé sẽ kéo dài trong khoảng từ 15 - 30 phút, nếu kéo dài quá 40 phút thì đa phần là bữa ăn không hiệu quả. Mẹ cần thông báo với bé rằng đã đến lúc kết thúc bữa ăn và thu dọn đồ ăn. Kể cả khi bé ăn chưa đủ no, thấy mẹ dọn đồ ăn mới đòi ăn tiếp thì mẹ cũng cần kiên định không cho bé tiếp tục ăn. Làm như vậy để bé hiểu rằng việc ăn uống cũng có giờ giấc, nếu không tập trung bé sẽ không được ăn no. Như vậy, những lần tiếp theo bé sẽ không còn vừa ăn vừa chơi nữa, giờ ăn của bé sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, với các bé nhỏ có nhiều bữa ăn trong ngày, việc kéo dài bữa ăn khiến các bữa ăn gần nhau quá, bé chưa kịp tiêu hóa thì đã đến bữa kế tiếp. Điều này vừa khiến bé không có cảm giác đói, ăn không ngon miệng vừa không tốt cho tiêu hóa, và sức khỏe răng miệng của bé.
7. Không cho bé ăn rong
Thực tế, em bé cũng như chúng ta không thể duy trì sức ăn và sự ngon miệng trong tất cả các ngày. Thường ở giai đoạn ăn dặm cũng là lúc bé mọc răng, phát triển kỹ năng nên việc biếng ăn một vài bữa là bình thường. Nếu bà, mẹ đưa con đi ăn rong để dỗ bé ăn sẽ hình thành thói quen ăn rong không tốt cho bé.
Việc ăn rong trước hết sẽ đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc tập trung khi ăn. Khi bé không tập trung bé sẽ ăn trong vô thức và sự chỉ đạo của người cho bé ăn. Điều này khiến cho bé không thực sự cảm nhận được hương vị của các thức ăn bé được ăn. Hơn nữa, việc ăn rong còn rất mất vệ sinh khi mà bụi bẩn trong không khí dễ dàng xâm nhập vào thức ăn của bé. Điều này kết hợp với việc không tập trung sẽ khiến bé dễ mắc các chứng bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa hơn.
8. Không cho bé xem tivi, chơi đồ chơi khi ăn
Giờ nào việc đó, nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự tập trung khi ăn cho con. Ngoài ra, việc bật tivi hay điện thoại thông minh để con ăn mang lại rất nhiều tác hại như: Tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa đái tháo đường ở trẻ em, không còn cảm giác ngon miệng khi ăn, mắc các bệnh về dạ dày, tiêu hóa…
Bên cạnh đó, việc cho bé xem tivi và điện thoại thông minh sớm ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và khả năng ngôn ngữ của con.
9. Cho bé ăn có giờ giấc, đúng bữa, chung với bữa ăn của gia đình
Cho bé ăn đúng bữa, có giờ giấc giúp bé tạo thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ chuyển hóa chất trong cơ thể tốt hơn. Ngoài ra, ăn uống đúng giờ còn cho bé hiểu rằng ăn có bữa, không phải lúc nào bé muốn ăn cũng được vì thế nên bé cần tập trung, ăn ngon và tận hưởng bữa ăn khi đến bữa.
Ăn với gia đình giúp bé học hỏi cách ăn từ các thành viên khác trong gia đình giúp bé học hỏi được nhiều hơn, tự lập hơn.
10. Cho bé tự xúc ăn
Mẹ hãy để bé tập xúc, tập tự ăn, cho dù khi mới bắt đầu mẹ sẽ phải dọn dẹp nhiều hơn bởi những lần bé làm đổ hay xúc vương vãi. Sau nhiều lần như vậy, bé sẽ dần dần học được kỹ năng tự xúc và xúc gọn gàng. Không ai làm gì mà thành công ở lần đầu tiên, việc của mẹ là tin tưởng vào bé, kiên nhẫn dạy bé và quả ngọt sẽ đến.
Hy vọng thông qua bài viết này, mẹ và bé sẽ có những giờ ăn thoải mái và ngon miệng. Mẹ đừng quên sẵn sàng giấy ướt Life-do.Plus ở bên để vệ sinh tay miệng cho bé khi ăn nhé!